Dinh dưỡng / Suy dinh dưỡng là gì?

Suy dinh dưỡng là gì?

11:10 15/03/2016

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu dinh dưỡng quan trọng và phổ biến ở trẻ em nước ta. Trong đa số trường hợp, suy dinh dưỡng xảy ra do sự kết hợp của cả 2 cơ chế, vừa giảm năng lượng ăn vào vừa tăng năng lượng tiêu hao. Suy dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể.

1. Nguyên nhân của suy dinh dưỡng trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng:

  • Do ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, trường hợp này trẻ em ở các vùng nông thôn thường hay gặp phải.
  • Do kém hiểu biết về dinh dưỡng, đây thường là nguyên nhân phổ biến không chỉ ở khu vực nông thôn mà ngay cả khu vực thành thị phát triển. Kém hiểu biết dinh dưỡng thường các mẹ là cho trẻ ăn dặm quá sớm (dưới 4 tháng) cai sữa cho trẻ quá sớm (dưới 1 năm) mà không được bổ sung sự thiếu hụt từ sữa mẹ sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Hoặc những hiểu biết sai lệch, dẫn đến tình trạng kiêng khem, bắt trẻ ăn cháo muối, hoặc ăn bột, ăn cháo với nước mắm, mì chính kéo dài trong và sau các đợt bị tiêu chảy của nhiều bà mẹ cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.
  • Các nguyên nhân bệnh lý khác như: sởi, ho gà, viêm phổi, lao, hội chứng lỵ làm cơ thể trẻ suy yếu, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa kéo dài cũng làm trẻ bị suy dinh dưỡng.

 

2. Lứa tuổi trẻ dễ bị suy dinh dưỡng:

  • Trẻ từ 6-24 tháng: thời kỳ có nhu cầu dinh dưỡng cao, thời kỳ thích ứng với môi trường, thời kỳ nhạy cảm với bệnh tật.
  • Trẻ không được bú sữa mẹ hoặc không đủ sữa.
  • Trẻ đẻ nhẹ cân (<2500g), trẻ để sinh đôi, sinh ba.
  • Trẻ ở gia đình đông con, điều kiện vệ sinh kém, gia đình không hoà thuận.
  • Trẻ hiện đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: bệnh sởi, tiêu chảy hay viêm đường hô hấp ..

 

3. Biểu hiện của trẻ suy dinh dưỡng:

Triệu chứng dễ nhận biết là trẻ có biểu hiện biếng ăn, ăn ít, chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân. Ngoài ra trẻ còn dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy... nếu trẻ bị suy dinh dưỡng thường da xanh, trẻ hay buồn bực, quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt các bắp thịt mềm nhão. Đặc biệt, trẻ suy dinh dưỡng thường chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi, đứng...

Biếng ăn là một trong những biểu hiện của bệnh suy dinh dưỡng

Phụ huynh có thể theo dõi tình hình chiều cao, cân nặng của bé để có thể nhận thấy chính xác hơn. Trẻ được xem là có nguy cơ suy dinh dưỡng nếu đứng cân liên tục trong vòng 3 tháng, đường phát triển cân nặng theo tuổi đi theo hướng nằm ngang. Trẻ suy dinh dưỡng nếu đường phát triển cân nặng theo tuổi nằm bên dưới đường chuẩn của biểu đồ.

Tuy nhiên để đánh giá dinh dưỡng toàn diện cần có ít nhất 3 chỉ số:

  • Cân nặng theo tuổi.
  • Chiều cao theo tuổi.
  • Cân nặng theo chiều cao.

 

4. Cách phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em

Chăm sóc trẻ từ trong bụng mẹ:

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy cân nặng của trẻ sơ sinh phụ thuộc nhiều vào dinh dưỡng của bà mẹ. Ở những bà mẹ ăn uống kém thì thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ. Vì vậy, trong thời gian mang thai người mẹ cần ăn uống bồi dưỡng hơn bình thường đồng thời theo dõi tăng cân từng quý; khám thai định kỳ ít nhất 3 lần. Thực hiện tiêm phòng uốn ván, nghỉ ngơi trước đẻ và sinh đẻ tại cơ sở y tế để mẹ tròn con vuông.

 

Nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý:

Cho trẻ bú sớm ngay sau đẻ, bú càng sớm càng tốt, cho bú hoàn toàn trong 4 tháng đầu và kéo dài 18-24 tháng. Trong trường hợp mẹ không có sữa hoặc ít sữa thì cho trẻ ăn thêm sữa bò hoặc sữa đậu nành, tuyệt đối không dùng nước cháo đơn thuần để nuôi trẻ.

Từ 5 tháng tuổi ngoài bú mẹ cần cho trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung, tùy theo lứa tuổi có thể cho trẻ ăn bột, cháo nhưng phải quấy lẫn với thịt, trứng, đậu đỗ, dầu, mỡ và các loại rau.

Khi trẻ ốm không được kiêng khem quá mức, cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày thức ăn dễ tiêu hóa và đủ các chất dinh dưỡng.

 

Tiêm chủng:

Để phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn cần thực hiện tiêm chủng cho trẻ đầy đủ và đúng kỳ hạn.

 

Theo dõi cân nặng:

Trong năm đầu mỗi tháng cân trẻ 1 lần, trẻ từ 2-5 tuổi thì 2-3 tháng cân 1 lần, nếu thấy cân của trẻ bắt đầu đứng hoặc sụt cân là dấu hiệu sớm để phát hiện suy dinh dưỡng.

 

Sinh đẻ kế hoạch:

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tăng cao gặp ở những bà mẹ đẻ dày và đông con cho nên cần sinh đẻ có kế hoạch.