Vai trò của kẽm đối với hệ miễn dịch:
Kẽm có nhiều vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch bao gồm:
- Kẽm giúp phát triển hệ thống miễn dịch và duy trì hoạt động hiệu quả;
- Bảo vệ cơ thể trước bệnh tật;
- Giúp vết thương mau lành;
- Kích thích sự phát triển của các tế bào lympho T và lympho B, từ đó tăng cường hệ thống miễn dịch giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, tăng cường đề kháng và chống lại nhiễm trùng.
Nếu thiếu kẽm, cơ thể sẽ giảm phát triển và suy giảm chức năng của các tế bào miễn dịch bao gồm tế bào lympho T, lympho B và đại thực bào. Đối với trẻ em, thiếu kẽm sẽ dẫn tới hiện tượng hoạt hóa đại thực bào và hiện tượng thực bào bị suy giảm. Do đó, khi cơ thể thiếu kẽm sẽ làm tổn thương chức năng của hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt bệnh có nguyên nhân lây nhiễm virus như cúm và viêm phổi. Việc duy trì nồng độ kẽm đầy đủ có thể hạn chế sự suy giảm chức năng miễn dịch, tăng khả năng kháng virus, từ đó giảm nguy cơ bị cúm và viêm phổi. Theo một nghiên cứu của Castillo - Duran, việc bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giúp làm giảm 18% trường hợp tiêu chảy, 41% trường hợp viêm phổi và làm giảm tỷ lệ tử vong lên tới trên 50%.
Ngoài tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, với trẻ em, kẽm còn đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng về thể chất bằng những tác động ở hệ tiêu hóa; Đồng thời tăng cường sự hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm và phân chia tế bào. Khi thiếu kẽm dẫn tới sự phân chia tế bào khó xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển chiều cao ở trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì. Kẽm cũng tham gia vào quá trình tổng hợp và điều hòa chức năng của các trục hormone dưới đồi ví dụ như: GH, IGF-I. Đây là những hormone tăng trưởng và kích thích tăng trưởng và duy trì, bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác. Sự chuyển hóa của các tế bào vị giác sẽ bị ảnh hưởng nếu thiếu kẽm, dẫn tới biếng ăn do rối loạn vị giác. Trẻ em lười ăn sẽ bị suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ; Ngoài ra, kẽm cũng giúp vận chuyển canxi vào não giúp ổn định thần kinh và duy trì phát triển trí não. Do vậy, nếu được bổ sung kẽm đầy đủ, trẻ nhỏ sẽ có một trí nhớ tốt.
Tình hình thiếu vi chất kẽm ở Việt Nam và thế giới:
Trong 1 nghiên cứu xuất bản năm 2017 trên tạp chí Food and Nutrition Bulletin cho thấy tình trạng thiếu vi chất kẽm vẫn đang rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tỷ lệ trẻ em có nồng độ kẽm trong huyết tương hoặc huyết thanh thấp từ 19 cuộc điều tra dinh dưỡng
Tại Việt Nam, Kết quả điều tra về tình trạng dinh dưỡng tại 6 tỉnh ở Việt Nam năm 2010 cho thấy tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm là 81,2%. Đến năm 2014-2015, cuộc điều tra do Viện Dinh Dưỡng tiến hành vẫn cho thấy tỉ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn lên tới 69.4%.
Nguyên nhân gây thiếu kẽm rất nhiều lý do, lưu ý rằng cơ thể không dự trữ được kẽm. Thời gian tồn tại của kẽm trong các cơ quan nội tạng sau khi được hấp thu rất ngắn, chỉ khoảng 12 ngày. Sau khi hấp thụ kẽm qua việc ăn uống, chúng xuất hiện trong máu sau 15 phút và nồng độ đạt tối đa sau 2 – 4 giờ. Nếu chế độ dinh dưỡng hàng ngày thiếu sự phong phú đa dạng sẽ khiến cơ thể không hấp thu được lượng kẽm cần thiết, dẫn đến tình trạng thiếu kẽm. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đường ruột hoặc dùng thuốc kháng sinh lâu ngày, điều trị thiếu sắt dài ngày…. cũng dẫn đến thiếu kẽm.
Vì vậy, để duy trì nồng độ kẽm trong cơ thể, chúng ta cần phải thường xuyên bổ sung kẽm thông qua các chế độ ăn hàng ngày là rất cần thiết để giúp cơ thể không bị thiếu kẽm bằng cách:
- Khuyến khích chế độ ăn đa dạng thực phẩm trong bữa ăn.
- Tăng khả năng hấp thụ kẽm nhờ tăng cường thực phẩm có nhiều vitamin C như rau xanh, hoa quả, cách chế biến như nảy mầm giá đỗ, lên men dưa chua làm tăng cường hàm lượng vitamin C, giảm axit phytic trong thực phẩm do vậy làm tăng hấp thu sắt/ kẽm từ khẩu phần.
- Sử dụng các thực phẩm giàu kẽm như thức ăn từ động vật như cua bể, thịt bò, tôm, thịt, cá...
- Nếu khẩu phần ăn không đảm bảo đủ kẽm, sử dụng thực phẩm bổ sung kẽm chủ động dạng kẽm dang muối như: kẽm gluconate, kẽm sulfate, kẽm acetat…Trong đó kẽm gluconate là loại kẽm hữu cơ phổ biến trong các thực phẩm bổ sung hiện nay bạn nên sử dụng.
- Nên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn chậm lớn, phụ nữ có thai, cho con bú. Bổ sung các thuốc chứa kẽm (gluconat kẽm hay sulfat kẽm); uống sau ăn 30 phút; thời gian bổ sung là 2-3 tháng theo chỉ định của bác sĩ
- Chữa các bệnh gây thiếu kẽm ở trẻ trước khi bổ sung như bệnh rối loạn tiêu hóa
- Khi bổ sung kẽm nên bổ sung thêm vitamin A, B6, C và photpho vì chúng làm tăng sự hấp thu kẽm
- Nếu dùng cả sắt và kẽm, dùng kẽm trước, sắt sau vì sắt cản trở sự hấp thụ kẽm;
Bổ sung kẽm bao nhiêu là đủ:
Theo nghiên cứu từ các chuyên gia dinh dưỡng, cơ thể cần bổ sung kẽm mỗi ngày theo lượng như sau:
- Trẻ sơ sinh 0–6 tháng tuổi: 2mg/ngày
- Trẻ sơ sinh 7–12 tháng tuổi: 3mg/ngày
- Trẻ em 1–3 tuổi: 3mg/ngày
- Trẻ em 4–8 tuổi: 5mg/ngày
- Trẻ em 9–13 tuổi: 8mg/ngày
- Trẻ từ 14-18 tuổi: nam 11mg/ngày; nữ 9mg/ngày
- Người trên 19 tuổi: nam 11mg/ngày, nữ 8mg/ngày
- Phụ nữ có thai: 11–12mg/ngày
- Phụ nữ đang cho con bú: 12–13mg/ngày
Lưu ý rằng mặc dù kẽm rất quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt trong mùa dịch sẽ giúp tăng khả năng dự phòng nhiễm bệnh. Tuy nhiên tránh bổ sung dư thừa gây hiệu ứng ngược. Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng và chỉ bổ sung thêm kẽm khi cần thiết, đảm bảo cơ thể luôn đủ kẽm, từ đó duy trì cuộc sống khỏe mạnh.